Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN
Ông Tanachai Bunditvorapoom, Giám đốc điều hành của Công ty Năng lượng sạch tuyệt đối cho biết, việc tăng tỷ trọng điện tái tạo lên từ 10-12% tổng nguồn cung cấp điện hiện nay là cần thiết để Thái Lan hiện thực hóa cam kết đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Ông Tanachai cho hay: “Thái Lan có kế hoạch giảm lượng khí thải CO2 trong ngành điện, nhưng những nỗ lực tương tự trong các lĩnh vực khác vẫn chưa rõ ràng, vì vậy nước này cần tăng mục tiêu trong PDP. Điều này có nghĩa là ngành điện cần phải cố gắng hơn nữa để giảm lượng khí thải CO2.”
Năm 2021 tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 ở Glasgow, Thái Lan đã công bố rằng nước này có kế hoạch giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc, phấn đấu đạt được mức trung hòa carbon cũng như mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2065. Một kế hoạch thúc đẩy sản xuất điện tái tạo đã được đưa ra và được quản lý bởi Ủy ban Điều tiết năng lượng (ERC). Việc đấu giá các dự án phát triển điện tái tạo thuộc giai đoạn đầu của kế hoạch với công suất phát điện 5,2 GW đã được triển khai. ERC dự kiến tổ chức đấu giá thêm dự án thuộc giai đoạn hai với công suất 3,6GW trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Tanachai lưu ý rằng, điện tái tạo được tạo ra từ các dự án thuộc hai giai đoạn này có thể không đủ để đạt được mục tiêu đã công bố vào năm 2021. Theo PDP, các cơ quan chức năng đề xuất phát triển hai cơ sở sản xuất điện hạt nhân, với tổng công suất 800 MW. Điện hạt nhân được coi là nguồn năng lượng sạch không phát thải. Ông nhấn mạnh, việc hỗ trợ phát triển điện hạt nhân vẫn còn chắp vá ở Thái Lan và có nguy cơ chịu sự phản đối gay gắt từ người dân địa phương và các tổ chức phi chính phủ. Thái Lan cũng đang thúc đẩy các nhà máy điện đốt sinh khối vì chúng có thể cung cấp điện ổn định, không giống như năng lượng mặt trời và gió, vốn được coi là nguồn năng lượng không liên tục do thời tiết không ổn định.
Tuy nhiên, ông Tanachai cho rằng năng lượng sinh khối chỉ có thể thay thế một phần điện được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch như khí đốt. Trong khi đó, ông Sarat Prakobchart, Phó Tổng Giám đốc Văn phòng Kế hoạch và Chính sách năng lượng, cho biết các nhà chức trách đang xem xét nâng mục tiêu tỷ lệ sản xuất điện tái tạo lên hơn 50% để đảm bảo nước này có thể cắt giảm đáng kể lượng khí thải CO2, nhưng vẫn còn một số thách thức. Theo ông Sarat, giá thành sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo có thể cao hơn so với các phương pháp khác, do đó Thái Lan có thể mất khả năng cạnh tranh nếu nước này hoàn toàn hỗ trợ năng lượng tái tạo mà không xem xét đến các hạn chế về ngân sách.
PDP là một phần của Kế hoạch năng lượng quốc gia (NEP), bao gồm kế hoạch phát triển năng lượng thay thế, kế hoạch sử dụng năng lượng hiệu quả, kế hoạch dầu mỏ và kế hoạch khí đốt. Cơ quan Phát điện Thái Lan đang thúc đẩy năng lượng tái tạo thông qua một dự xây dựng 15 trang trại năng lượng Mặt trời nổi với tổng công suất 2.750 MW trên phạm vi toàn quốc. Trang trại năng lượng mặt trời nổi đầu tiên nằm ở đập Sirindhorn ở tỉnh Ubon Ratchathani, với công suất 45 MW và bắt đầu hoạt động vào năm 2021.
Theo Bnews/TTXVN.